Trước tình hình thiếu nhân lực như hiện nay của Nhật Bản, Chính phủ nước này đã có những thảo luận, bàn bạc và quyết định thông qua dự luật tiếp nhận thêm lao động người nước ngoài và giải quyết tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng của nước Nhật.
Bên cạnh đó, Nhật Bản không chỉ cấp thị thực làm việc cho những lao động tay nghề cao và có trình độ chuyên môn như bác sĩ, luật sư hay giáo viên mà còn là lực lượng lao động trình độ thấp.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 7/12, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã một lần nữa khẳng định sự quan trọng của việc phê chuẩn dự luật nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực đang ngày càng trở nên bức thiết ở Nhật Bản.
Theo truyền thông đưa tin, dự kiến tiếp nhận lao động người nước ngoài trong 14 lĩnh vực, trong đó có xây dựng và điều dưỡng.
Theo hệ thống thị thực mới, người lao động nước ngoài sẽ được tới Nhật Bản làm việc theo 2 loại hình cư trú.
Loại 1 dành cho những người tham gia lao động trong những lĩnh vực chỉ đòi hỏi mức độ kiến thức và kinh nghiệm nhất định. Còn loại 2 dành cho nhóm những người làm việc trong những ngành nghề cần kỹ năng cao hơn.
Để có nộp đơn xin visa loại 1 có giá trị tối đa 5 năm, người lao động sẽ phải vượt qua các bài kiểm tra tiếng Nhật và kỹ thuật.
Loại thị thực thứ 2 đặt ra những rào cản cao hơn. Người lao động phải vượt qua bài kiểm tra kỹ năng cao. Tuy nhiên, những người lao động được cấp thị thực loại này được phép đưa gia đình đi cùng và số lần gia hạn thị thực cũng không bị hạn chế, mở ra cơ hội để họ có thể định cư tại Nhật Bản.
Thị thực loại 1 sẽ được cấp cho 14 lĩnh vực còn đối với loại số 2, Chính phủ Nhật Bản dự định giới hạn trong hai lĩnh vực gồm xây dựng và đóng tàu.
Ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng cục quản lý lao động ngoài nước chia sẻ: “Dự kiến vào khoảng tháng 1/2019 sẽ có các các thông tin cụ thể về cơ chế tiếp nhận mới và hướng tới bắt đầu triển khai từ tháng 4/2019”
Việc phía Nhật mở rộng chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài, theo đánh giá của Cục quản lý lao động ngoài nước, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nước phái cử người lao động đến Nhật Bản.
thống đốc tỉnh Chiba Kensaku Morita đã đích thân đến thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 18 đến 21/11 để làm việc với một trung tâm phát triển nhân lực từng đưa gần 1500 thực tập sinh và sinh viên Việt Nam sang Nhật bản năm ngoái. Thông qua chuyến đi, ông tìm cách đảm bảo nguồn lao động cho ngành điều dưỡng vốn đang thiếu hụt nhân lực trầm trọng của tỉnh.
“ Tôi nghe các công ty phản ánh rằng người Việt Nam rất trung thực, chăm chỉ, siêng năng như người Nhật Bản”, ông Morita nói.
Số lao động Việt Nam tại Nhật Bản năm ngoái đã tăng lên 240.000 người, cao thứ hai chỉ sau Trung Quốc và tăng gấp 9 lần trong vòng 5 năm qua, theo điều tra của Bộ Y tế, Lao động và Phúc Lợi. Nhu cầu về lao động Việt Nam tăng cao nhằm thay thế lao động Trung Quốc vì mức lương ở Trung Quốc đang tăng.
Tuy nhiên, việc gia tăng lao động Việt cũng đi kèm nhiều lo ngại khác. Năm ngoái, có hơn 3750 thực tập sinh người Việt mất tích, theo Bộ Tư pháp Nhật Bản. Cục Cảnh sát Quốc gia cho hay người Việt cũng liên quan tới 5140 vụ phạm tội hình sự. Cả hai con số này đều đứng đầu trong số các nước có lao động làm việc tại Nhật Bản.
Với việc hàng trăm nghìn lao động nước ngoài dự kiến sẽ đủ điều kiện xin thị thực mới, Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ hoàn tất việc soạn thảo các quy định liên quan đến những biện pháp bảo đảm môi trường làm việc, giúp người lao động có thể sớm thích nghi và hòa nhập với cộng đồng sở tại.
Chính phủ Nhật Bản ước tính sẽ tiếp nhận 47.750 lao động nước ngoài tới nước này làm việc theo thị thực loại 1 trong năm đầu tiên kể từ khi luật mới được thông qua có hiệu lực. Sau 5 năm, số lao động nước ngoài tới nước này làm việc theo visa loại này ước sẽ lên đến 345.150 người, trong đó có 60.000 lao động trong lĩnh vực điều dưỡng.