Tôi đỗ qua vòng hồ sơ và được thông báo đi thi vào mùa hè năm đó. Tôi phải thi ba môn: Toán, Tiếng Anh, Tiếng Nhật. Ngôn ngữ làm bài thi môn Toán và phỏng vấn là tiếng Anh hoặc tiếng Nhật tùy chọn. Vì thời gian gấp rút, phải thi ngay sau khi thi học kỳ hai ở đại học, tôi chỉ có khoảng hai tuần để ôn lại Toán bậc trung học phổ thông và chút tiếng Anh vì tôi chọn thi lý thuyết Toán và phỏng vấn bằng tiếng Anh.
Ở Đại học Ngoại thương, tôi học khoa Kinh tế đối ngoại với ngoại ngữ là Tiếng Nhật. Sau khi vào đại học tôi mới bắt đầu học tiếng Nhật với tần suất hai buổi trong tuần theo chương trình của nhà trường. Dù rất thích tiếng Nhật và rất chăm chỉ học tiếng Nhật, nhưng khi đó, trình độ tiếng Nhật của tôi vẫn chỉ dừng lại ở sơ cấp, chưa đủ để chào hỏi thông thường, càng không thể nói đến dùng tiếng Nhật để thi lý thuyết và phỏng vấn. Vì thế tôi đã chọn thi Toán và phỏng vấn bằng tiếng Anh. Có lẽ bởi tôi đã quen với chuyện thi cử từ trước đến giờ, kì thi lý thuyết diễn ra khá đơn giản và suôn sẻ vào khoảng tháng Bảy năm đó. Chủ yếu tôi ôn thi học bổng qua đề thi của các năm trước được công bố trên báo chí. Đề thi tiếng Anh và tiếng Nhật là các dạng thi trắc nghiệm gần giống thi TOEFL và thi năng lực Nhật ngữ.
Điểm cần lưu ý có lẽ là môn Toán. Kiến thức chủ yếu nằm ở bậc trung học phổ thông, tuy nhiên ngôn ngữ làm bài là tiếng Anh nên bạn cần biến đổi cách thức trình bày một chút theo chuẩn quốc tế. Nói chung chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản thì bạn có thể vượt qua kì thi lý thuyết không quá khó khăn. Ký ức sâu sắc nhất của tôi về quá trình thi học bổng là buổi thi phỏng vấn. Sáng hôm đó, bố tôi đưa tôi đi thi ở Đại sứ quán Nhật. Giống như lần bố đưa tôi đi thi đại học, ông nhìn tôi cười hiền cổ vũ: “Cứ tự tin và làm hết sức mình là được”. Nhưng lần này tôi run quá. Bởi từ xưa đến giờ tôi vượt qua biết bao kỳ thi, nhưng chưa bao giờ tham gia bất cứ kỳ thi nào theo kiểu phỏng vấn cả.
Ngồi bên ngoài cửa phòng phỏng vấn, chờ gọi tên, thỉnh thoảng nhìn đồng hồ, nhìn các bạn khác bước vào rồi bước ra, tôi căng thẳng thực sự. Đến lượt mình, bước vào căn phòng phỏng vấn rộng, với ánh đèn chùm trên trần màu vàng nhạt, từ xa tôi trông thấy hai vị giám khảo. Tôi cất tiếng chào to “ Good morning” và mỉm cười. Hai vị giám khảo mời tôi ngồi xuống ghế phía trước mặt họ. Một người bắt đầu hỏi chuyện tôi, còn một người chăm chú xem hồ sơ của tôi đặt trên bàn. Họ hỏi tại sao tôi muốn sang Nhật, sau này tôi muốn học ở trường đại học nào của Nhật? Tương lai tôi dự định sẽ làm gì? Tôi chỉ nhớ mình đã lấy hết can đảm nhìn thẳng vào người đã hỏi tôi, mỉm cười và trả lời đại khái rằng: Tôi thấy Nhật Bản là đất nước có nền kinh tế phát triển thần kỳ sau chiến tranh dù đất nước nghèo tài nguyên thiên nhiên. Theo tôi, kinh tế Nhật phát triển được là do con người Nhật chăm chỉ cần cù. Tôi muốn sang Nhật để học được sự chăm chỉ cần cù ấy. Tôi muốn vào trường Đại học Tokyo và học Khoa Kinh tế nếu đạt được học bổng này. Tương lai, tôi muốn đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam và mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam.
Thật lạ là, sau khi trả lời vài câu hỏi, tôi quên luôn cả sự căng thẳng và cảm thấy rất thích nói chuyện thêm với hai vị giám khảo đó. Tôi còn thấy hơi hụt hẫng vì phải kết thúc phỏng vấn khi đang kể cho họ nghe về quê quán và môn học yêu thích hồi cấp ba của mình. Thường thì mỗi người có khoảng 15 phút phỏng vấn. Nhưng tùy từng thí sinh, có người vừa vào phỏng vấn sau năm phút đã thấy đi ra, có người thì lâu hơn. Hôm đó, hình như tôi đã nói chuyện với họ gần 30 phút.
Bước ra khỏi phòng phỏng vấn, nhìn đồng hồ, tôi hơi lo lắng vì có thể mình nói hơi nhiều nhưng trong lòng lại thấy vui vui, vì tôi cảm giác buổi phỏng vấn rất thú vị.
(Trích cuốn sách: “Du học Nhật Bản 3000 ngày với nước Nhật” – tác giả Phi Hoa)